Người Việt ồ ạt 'Đông Du'
TTO - Nằm trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng và tìm kiếm cơ hội ở Đông Nam Á, Nhật Bản đang mở một mặt trận mới với Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chính của họ: Giáo dục.
Một nhóm sinh viên quốc tế tham gia lễ hội ngắm hoa anh đào tại Nhật - Ảnh: KCP Language School
Theo hãng tin Bloomberg, Nhật Bản thời gian gần đây đang tích cực chiêu mộ sinh viên du học từ các nước Đông Nam Á. Đây là một phần trong chiến lược đầu tư lâu dài vào con người của Tokyo.
Không chỉ là điểm đến đầu tư quan trọng, Đông Nam Á sở hữu một nguồn tài năng chất lượng Nhật đang rất cần để bổ sung cho lực lượng lao động ngày càng thiếu hụt và lão hóa.
Mặt khác, trong tương lai gần, nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ Nhật sẽ đóng vai trò kết nối giữa quê hương họ và xứ sở Mặt trời mọc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Việt Nam là một hiện tượng
Trong bối cảnh Nhật mở cửa thu hút sinh viên quốc tế, Việt Nam đang nổi lên là một hiện tượng. Trong giai đoạn 6 năm tính đến tháng 5-2016, số sinh viên Việt Nam tại Nhật đã tăng 12 lần, đạt con số 54.000 người - theo số liệu của Tổ chức Dịch vụ sinh viên Nhật Bản (JASSO).
Sinh viên Việt Nam hiện chiếm gần 1/4 số sinh viên quốc tế tại Nhật, chỉ đứng sau Trung Quốc (41%, nhưng trên đà giảm những năm gần đây).
Trong một ví dụ tiêu biểu, Đại học Ritsumeikan thuộc tỉnh Oita, tây nam Nhật Bản, thống kê trong 10 năm qua số sinh viên Việt Nam của họ đã tăng ba lần, lên khoảng 500 người.
Số công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng là một trong những động lực chính khiến nhiều sinh viên và các bậc phụ huynh nghĩ đến ý định du học Nhật.
Ông Itsuro Tsutsumi, giám đốc văn phòng trao đổi sinh viên thuộc JASSO, nhận xét: “Sự kỳ vọng là khá cao. Gia đình của các sinh viên xem đó là một khoản đầu tư…”.
“Tôi chọn Nhật vì chi phí thấp hơn các nước khác và hệ thống giáo dục tốt - cô Quynh My, một bậc phụ huynh Việt Nam giải thích - Sau khi tốt nghiệp trở về Việt Nam, các con tôi sẽ có cơ hội lớn hơn để tìm một công việc tốt, vì ngày càng có nhiều công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam”.
Tuy nhiên, mong muốn chính đáng này đôi khi lại bị lợi dụng. Tháng 4 vừa qua, Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam cảnh báo ngày càng có nhiều sinh viên và thực tập sinh Việt Nam bị các dịch vụ môi giới lừa đảo, nói dối về cơ hội nghề nghiệp.
Các sinh viên sang Nhật với món nợ lớn sau khi đi vay mượn để trả các khoản chi phí du học đắt đỏ. Trên thực tế, vừa hoàn thành tốt việc học, vừa phải làm quần quật để trang trải cuộc sống và trả nợ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Cần người giỏi
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Đông Nam Á - khu vực có mức tăng trưởng cao và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh.
Các công ty Nhật cũng ngày càng quan tâm hơn đến ASEAN do mức thu nhập và nhu cầu tiêu dùng liên tục tăng trong nhiều năm, bên cạnh đó nhu cầu hạ tầng trong khu vực cũng rất lớn, theo nhà kinh tế Shinobu Kikuchi thuộc Viện nghiên cứu Mizuho.
Trong quá khứ, các nhà sản xuất của Nhật tìm đến Việt Nam vì nguồn lao động giá rẻ, nhưng những năm gần đây sự tăng trưởng của thị trường tiêu dùng Việt Nam hấp dẫn thêm nhiều doanh nghiệp thuộc khối phi sản xuất, chẳng hạn như các nhà bán lẻ.
Ông Keisuke Kobayashi, người phụ trách mảng Việt Nam thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, khẳng định dù là ngành nghề nào thì các công ty Nhật đều tìm kiếm các nhân viên có trình độ cao, những người có thể xóa bỏ khoảng cách ngôn ngữ, văn hóa để làm việc cho họ.
“Khảo sát của chúng tôi với các công ty luôn cho thấy việc tuyển dụng không hề dễ dàng” - ông Kobayashi cho biết.
Trần Thị Bích Phương, sinh viên ĐH Ritsumeikan, là một trường hợp du học thành công tại Nhật. Trao đổi với Bloomberg, Phương biết cô nhận được hai học bổng theo học chuyên ngành quảng cáo, một của trường và một của JASSO.
Sau khi tốt nghiệp vào tháng 9 tới, cô gái quê ở Vinh dự định sẽ tìm một công việc tại Nhật để tích lũy kinh nghiệm trước khi về nước. “Làm cho một công ty Nhật tôi sẽ có cơ hội học hỏi sự chuyên nghiệp và mở rộng tầm nhìn” - Phương giãi bày.
Theo thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, số lượng du học sinh Việt Nam chiếm hơn 40% tổng số lao động Việt tại Nhật. Trong khi đó, tỉ lệ này của Trung Quốc chỉ khoảng 20%, riêng các quốc gia khác có số lượng du học sinh lao động không đáng kể.
Đáng chú ý, tỉ lệ thuận với số lượng lao động tại Nhật, số vụ phạm pháp của người Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng, trong đó có nhiều vụ liên quan đến du học sinh.